Ăn bún chả là cả một nghệ thuật, đòi hỏi sự tinh tế, cầu kỳ, tỉ mẩn của người dân xứ Kinh Kỳ. Bún chả phải được ăn vào lúc giữa trưa, trong không gian phố phường ngập tràn khói tỏa mới có thể cảm nhận được hết hương vị của món ăn này. Đây đã trở thành một nét văn hóa, nếp sinh hoạt khó bỏ của người dân xứ Hà Thành. Thứ nước chấm đầy tinh tế, thanh nhã của bún chả vào mùa hè sẽ được để nguội rồi múc cho khách, mùa đông sẽ được hâm nóng ấm nồng rồi mới đem ra để thưởng thức. Tưởng chừng là một món ăn đơn giản, nhưng trong món ăn này hội tụ cả năm yếu tố: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, là tinh hoa của ẩm thực Hà Thành biết bao đời nay.
Bún chả thoạt nhìn là một món ăn vô cùng dân dã với những nguyên liệu bạn có thể dễ dàng tìm thấy ở bất kỳ nơi đâu trong cuộc sống thường ngày. Nhưng để làm ra một bát bún chả ngon đúng điệu là cả một nghệ thuật ẩn giấu đằng sau đó. Bún để ăn bún chả phải là thứ sợi bún dai mềm, trắng thơm lấy từ làng Phú Đô, rau ăn cùng là loại rau húng Láng. Chả trong bún chả có hai loại là chả viên và chả miếng, cả hai loại này đều phải được nướng, tẩm ướp sao cho vừa giữ được độ mềm, vừa có được độ đậm đà. Chả miếng được làm từ thứ thịt ba chỉ đủ mỡ đủ nạc, đem ướp qua đêm cho ngấm gia vị rồi mới nướng, chả viên thì lại được làm từ thịt nạc vai lợn băm hoặc xay nhuyễn, ướp cùng chút gia vị, hành băm, mỡ nước vo thành viên tròn, ấn thành miếng dẹt, rồi đặt lên vỉ nướng. Chả phải được nướng trực tiếp trên bếp than hoa, đòi hỏi phải có chút khéo léo, tay nghề để có được độ cháy sém vừa phải, màu sắc và mùi hương đúng chuẩn.
Tinh hoa của món ăn này nằm ở thứ nước chấm màu hổ phách cực kỳ thanh nhã, tinh tế. Không đậm đà như bún thịt nướng ở miền Nam, bún chả Hà Nội mang một chút gì đó nhẹ nhàng, dịu dàng hơn rất nhiều. Thứ nước chấm này được pha chế dưới bàn tay đầy hào hoa, phong nhã của người dân xứ Hà Thành, là sự kết hợp của nước mắm, đường, dấm, tỏi, ớt, hạt tiêu… theo một công thức gia truyền riêng biệt, là linh hồn của món ăn này.